Cây sắn với người trồng sắn: “Bỏ thì thương, vương thì tội”

Rate this post

PTO- Từng được coi là “thủ đô” của cây sắn với diện tích hàng chục ngàn ha, đến nay diện tích trồng sắn hàng năm của toàn tỉnh chỉ còn 8-9 ngàn ha; dù ít như vậy nhưng có trồng sắn nữa hay không vẫn đang là nỗi trăn trở của người nông dân cũng như các cơ quan quản lý.

 

Sắn hữu dụng – “bỏ thì thương”!

Sắn là cây thực phẩm đa chức năng, sản phẩm sắn không chỉ phục vụ trong đời sống thường nhật mà còn là nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp. Sắn là lương thực phổ biến ở nhiều nơi, nhiều thời điểm; là một trong những cây trồng cung cấp thành phần chính trong sản xuất thức ăn chăn nuôi;làm xăng sinh học (Ethanol), cồn, rượu; tinh bột sắn dùng hồ vải, giấy, làm vỏ thuốc kháng sinh, keo dán gỗ ép; hầu hết các sản phẩm đồ uống cần acid citric  như rượu, Cocacola, Pepsi sắn lát giữ vai trò chủ đạo để chế biến cồn pha chế; tinh bột sắn để sản xuất axit glutamic nguyên liệu chính chế biến bột ngọt (mì chính); làm đường hóa học; tinh bột sắn dùng làm bánh bột lọc, tinh bột biến tính để chế ra nhiều loại bánh ngọt cao cấp… Thân cây sắn ngoài tác dụng dùng để làm giống, còn làm nấm, làm củi đun, nguyên liệu cho công nghiệp xenlulô. Lá sắn non là loại rau xanh giàu đạm rất bổ dưỡng, lá trưởng thành để nuôi cá, nuôi tằm. Do có nhiều tác dụng nên ở nước ta sắn là cây mầu được trồng phổ biến sau lúa, hầu hết trên đất đồi không ngập nước từ Bắc vào Nam đều trồng được sắn, diện tích có năm đã lên tới hàng triệu ha.

Ở tỉnh ta, sắn là cây trồng có lịch sử lâu đời và từng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu cây trồng và đời sống. Vào thập niên từ 1970-1990 sắn là cây lương thực chính, trên đất đồi nơi nào có thể sản xuất được là người ta trồng sắn. Theo thời gian,  sắn chuyển dần mục đích từ làm lương thực, chăn nuôi sang chủ yếu làm nguyên liệu phục vụ công nghiệp, tuy nhiên diện tích trồng sắn đang giảm dần. Giai đoạn trước năm 2005 diện tích trồng sắn từ 40-50 ngàn ha trong vài năm gần đây rút dần xuống còn khoảng 10 ngàn ha. Năm 2011 diện tích trồng sắn toàn tỉnh còn gần 8.100 ha; tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi, với năng suất bình quân trên 12 tấn/ha, sản lượng tươi ước 107,3 ngàn tấn. Năm 2012 diện tích trồng sắn tiếp tục giảm xuống còn gần 8000, năng suất tăng hơn năm 2011 chút ít, sản lượng ước đạt trên 100 ngàn tấn củ tươi.

Nhiều năm nay, diện tích trồng sắn của các địa phương vùng trung du được bố trí chủ yếu là đất màu đồi. Đây là đất màu đồi cơ bản chia cho hộ, bình quân mỗi khẩu có từ vài chục đến vài trăm m2 được sử dụng trồng sắn xen lạc, đỗ, khoai. Theo phản ánh của Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tam Nông: Hầu hết diện tích trồng sắn của huyện đều bố trí trên chân đất màu đồi, qua nhiều năm thử nghiệm cho thấy loại đất này có thể thích hợp nhiều cây màu như khoai, lạc, đỗ… song chỉ phù hợp trồng vụ xuân hè; vụ thu đông một số hộ đã thử nghiệm tiếp tục trồng  đậu, đỗ, lạc nhưng năng suất thấp, sâu bệnh nặng, nên cây sắn vẫn là thích hợp nhất. Theo đó vụ xuân trồng lạc, đỗ, khoai sau đó xen sắn vào, khi thu hoạch đậu đỗ, khoai, tiếp tục chăm sóc sắn đến khi thu hoạch. Cách làm này cây sắn phát triển tốt, năng suất đều đạt 15-20 tấn củ tươi/ha, một số hộ đầu tư chăm sóc tốt có thể đạt 25-30 tấn/ha. Với sản lượng 15-20 ngàn tấn củ tươi/năm (tương đương 7-10 ngàn tấn khô), sắn là nguồn thức ăn quan trọng cho chăn nuôi và một phần làm hàng hóa. Tại các huyện trung du, tuy sắn không còn giữ vai trò chủ lực trong lương thực, nhưng vẫn là nguồn cung cấp thức ăn cho nuôi lợn, gà, trâu bò, cá… Ở các làng quê, hộ nào có nhiều thì làm sắn lát phơi khô, sắn nạo bán cũng có được nguồn thu nhập đáng kể để chi dùng trong gia đình.  Như vậy đến nay trên đất màu đồi sắn vẫn là cây trồng phù hợp hơn, chưa có cây nào thay thế hữu hiệu.

Tại các huyện miền núi, cây sắn được trồng một phần trên đất màu thuần, còn lại đa số là trồng trên đất sau trồng rừng, trên diện tích rừng chưa khép tán, đất ven đồi trồng cây lâm nghiệp, các khe dộc… Điển hình như huyện Tân Sơn, những năm trước đây diện tích sắn có năm lên tới vài, ba ngàn ha, nhưng hiện nay cả huyện chỉ còn khoảng 1.200-1.500 ha. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Xuân Đài cho biết: Trước đây trên đất rừng của xã chỗ nào cũng có trồng sắn với tổng diện tích vài trăm ha. Người ta đốt nương trồng sắn, tận dụng đất ven đồi, giữa hai sườn núi để trồng, thậm chí sắn trồng  lên cả những sườn núi cao, nhưng bây giờ cả xã chỉ còn trên 100 ha tập trung chủ yếu ven đồi, rừng trồng chưa khép tán. Sản phẩm sắn bây giờ không còn là lương thực chính của người dân mà đã chuyển thành thức ăn cho chăn nuôi và hàng hóa để bán trên thị trường. Qua đánh giá tình hình phát triển của cây sắn trên đất đồi Phú Thọ cho thấy, cây sắn vẫn còn hữu dụng. Nếu phải chia tay với cây sắn, người nông dân, nhất là ở vùng đồi núi, không khỏi bùi ngùi…

Giá bèo bọt – “vương thì tội”

Do mục đích sử dụng của cây sắn có nhiều thay đổi, chuyển dần từ tự sản, tự tiêu sang sản xuất hàng hóa thì vấn đề tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho cây sắn là vấn đề phải quan tâm. Nhiều năm nay không riêng gì tỉnh ta mà cả nước đã có nhiều dự án đầu tư nhằm giải quyết đầu ra cho cây sắn. Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn hiện nay cả nước chỉ còn khoảng 550 ngàn ha trồng sắn tập trung chủ yếu ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Sản lượng sắn củ tươi hàng năm đạt khoảng 6-7 triệu tấn, trong số này chủ yếu được sản xuất thành sắn lát khô, tinh bột sắn và một phần nhỏ tiêu dùng tại chỗ. Vài năm trước ngoài số sử dụng sản xuất tinh bột, sắn lát làm thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất mì chính, cồn, rượu, dệt, giấy, dược phẩm và bánh kẹo… ở trong nước, còn lại chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Lượng sắn lát xuất nhiều năm thường xuyên trên dưới 2 triệu tấn. Từ năm 2008, ngành công nghiệp bắt đầu xây dựng một số nhà máy sản xuất Ethanol, dùng nguyên liệu chính là sắn lát khô. Hiện tại đã có ba nhà máy được đầu tư, có một nhà máy cho sản phẩm, hai nhà máy đang đầu tư dở dang, trong đó có nhà máy Ethanol Tam Nông công suất 100 triệu lít/năm được khởi công xây dựng từ năm 2009. Tình hình trên cho thấy sắn là cây trồng có sản phẩm tiêu thụ tương đối tốt, nhất là khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên – nơi cây sắn được trồng quanh năm, năng suất đạt 30-40 tấn ha, có nhiều cơ sở chế biến. Nhưng trên địa bàn tỉnh ta “đầu ra” cho cây sắn vẫn rất khó khăn, luôn đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ.

Khi trao đổi về vấn đề này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn cho biết: Năm 2012 cây sắn tiêu thụ tốt, coi như được, còn lại năm 2011 nhiều hộ bỏ sắn không thu hoạch. Qua khảo sát ở các địa phương trong tỉnh có nhiều diện tích trồng sắn, cho thấy có hai cách tiêu thụ sắn. Đối với các huyện trung du, diện tích mỗi hộ ít nên đến tháng 11-12 các hộ đều thu hoạch chế biến thành sắn lát, sắn nạo sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, còn lại bán cho tư thương. Nói chung ở khu vực này sắn tiêu thụ hết, ít tồn đọng. Ngược lại, ở các huyện miền núi diện tích trồng sắn nhiều người dân chủ yếu bán sắn tươi cho hai nhà máy sản xuất tinh bột sắn ở Thanh Sơn và bán cho tư thương mua chuyên chở về các tỉnh dưới xuôi sản xuất tinh bột. Cả hai cách tiêu thụ này đều không có một hợp đồng kinh tế ràng buộc nào nên giá cả, sản lượng tiêu thụ hoàn toàn do người mua định đoạt. Năm 2011, khi có nhiều cơ sở chế biến tinh bột vùng xuôi dừng sản xuất, giá cước vận tải lên cao, nhà máy tinh bột sắn Sơn Sơn vừa sản xuất vừa đầu tư cải tạo môi trường thì sắn tươi tại địa bàn Thanh Sơn, Tân Sơn đã giảm xuống chỉ còn 400- 700 đồng/ kg mà vẫn rất khó bán. Nhiều hộ, nhiều người điêu đứng vì sắn; bỏ không thu hoạch. Năm 2012 gọi là tiêu thụ được giá bán cũng chỉ là 800- 1200 đồng/kg tùy theo khu vực. Như vậy với giá bán trên dưới 1000 đồng/kg; năng suất 8-9 tấn/ha khó có thể nói là hiệu quả, chẳng qua đây là hình thức lấy công làm lãi. Nguyên nhân là do cách trồng, chăm sóc của nông dân hạn chế, cộng với thị trường tiêu thụ bấp bênh làm cho hiệu quả của cây sắn đạt thấp.

Theo tính toán, nếu đầu tư giống mới, kết hợp bón phân đưa năng suất cây sắn lên 15-20 tấn/ha, hàng năm có hợp đồng tiêu thụ hết thì trồng sắn mới có hiệu quả. Thực tế năm 2011-2012 tại một số mô hình sản xuất trồng sắn cao sản ở các huyện miền núi năng suất đạt 25-30 tấn củ tươi/ha, việc đầu tư không quá khó vấn đề nan giải là tiêu thụ. Hiện nay, Nhà máy sản xuất Ethanol Tam Nông vẫn đầu tư dở dang, chưa biết bao giờ mới đi vào hoạt động! Việc tiêu thụ sản phẩm sắn chủ yếu vẫn phụ thuộc ở nhu cầu tiêu dùng tại chỗ và chuyên chở đi nơi khác. Tiêu thụ nội địa hai nhà máy tinh bột sắn ở Thanh Sơn, các cơ sở sản xuất cồn rượu trên địa bàn sản lượng không nhiều, còn lại chủ yếu sắn củ tươi vẫn chờ tư thương mua, chuyển đi. Từ những khó khăn này, việc phát triển cây sắn ở tỉnh ta vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng bị động, nhiều vùng cây sắn vẫn đang ở thế “bỏ thì thương mà vương thì tội”.

Quốc Vượng

Source: https://dolatrees.com
Category: Cây

Bài viết liên quan

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *